buổi sáng cuối tuần, ngồi một mình trên tầng lầu thênh thang của một cao ốc không nằm trong lòng đất cha, đọc những chồng hồ sơ không bằng tiếng mẹ, nghe những câu hỏi buồn sũng như tiếng thở dài trong giọng hát anh mà cảm được mắt mình cay và cổ họng mình đắng ...
có bao giờ em hỏi quê hương mình ở đâu?...
cái quê hương đó em đã bỏ lại đàng sau lưng từ mấy chục năm trước, đã "tạm quên", đã hội nhập, đã chẳng có khó khăn gì với cái ngôn ngữ không phải của mình, đã thoải mái với cái nhãn hiệu "thế hệ 1.5" để làm một người Mỹ gốc việt, đã có thể gọi là thành công ở cái đất nước mà người ta vẫn gọi là "quê hương thứ hai" của mình. Thứ nhất hay thứ hai? Một con người có thể có bao nhiêu quê hương? Một trái tim có thể yêu bao nhiêu Tổ Quốc? Em không biết, cũng như đã từng lắc đầu không biết tại sao cái thời gian em sống bên ngoài mảnh đất đau thương tội nghiệp ấy đã gần gấp ba thời gian em lớn lên ở đó … Cơ mà đôi khi chỉ cần một gợi nhớ cỏn con, một câu đùa bâng quơ, một cơn mưa mùa hạ chợt đến chợt đi, một hình ảnh tình cờ nhìn thấy … cũng đủ cho cái nỗi nhớ "đau lòng con quốc quốc" kia ở đâu ùa về như dòng thác lũ …
có thể nói trên một phương diện nào đó em yêu cái đất nước mà em đang sinh sống vô cùng. Yêu đủ để chưa một lần không đi bỏ phiếu từ khi có quyền công dân. Yêu đủ để luôn có ý kiến, ý cò, bình luận, phản đối, ủng hộ, hoan hô, đóng góp, phủi tay … với bất kỳ một việc làm nào chính phủ đề ra. Yêu đủ để đau với cái mất mát họ gánh chịu, yêu đủ để hãnh diện với cái thành công họ gặt hái.
có thể nói ở một khía cạnh nào đó em đã rất thoải mái với cái ngôn ngữ em không sinh ra với. Thoải mái đủ để lúc nào cũng sẵn sàng phùng mang trợn má lý luận, tranh cãi với kẻ nào vô phước đi ngược lại với ý kiến của em, thoải mái đủ để viết ra những bài ca con cá dài thậm thượt với đủ mọi lý do trên trời dưới đất mỗi lần muốn trốn việc đi chơi.
… vậy thì cớ sao một hôm em lại bắt gặp mình thôi thúc, lặn lội quay ngược giòng quá khứ để tìm tòi học hỏi lại cái ngôn ngữ không còn thực dụng cho đời sống hàng ngày này? Và rồi không chỉ đọc mà còn đi xa hơn nữa để tập viết, tập chuyên chở những ý nghĩ của mình bằng ngôn ngữ của mình … Viết, với em, chật vật hơn với ngươì khác nhiều lắm … Em phải dùng tự điển để dịch lại rất nhiều từ ngữ, những từ ngữ mà lẽ ra em không có quyền quên … Sự thành công đến dễ dàng với người khác là cả một cố gắng trong em … Viết như một cứu cánh cho cuộc sống vốn quá phũ phàng, viết như một đam mê không thể rời … Viết cho mình, cho những niềm riêng không thể nói, cho những nỗi buồn đốt mãi chẳng thành tro …
viết, cho dù đôi khi con chữ dùng không đúng văn phạm...Viết, cho dù rất nhiều lần câu văn chẳng trôi chảy… Viết, viết miệt mài những câu chuyện đôi khi rất vớ vẩn ... Viết, viết say mê những điều nhỏ nhặt đến nỗi chính mình khi đọc lại cũng phải lắc đầu ngán ngẩm ...
viết, em cần chữ nhiều hơn là người đọc cần em vì với em nó là biểu tượng cho một cố gắng tìm về của một đứa bé lớn lên bên ngoài Tổ Quốc. Viết, vì đó là điều duy nhất em có thể làm được để níu lại một quê hương em đã bị đánh cắp ...Em chẳng có mơ ước cao xa gì hơn nữa cho những con chữ của em …
có bao giờ em hỏi quê hương mình ở đâu?...
anh, quê hương đó nằm trong những dòng chữ rất ngu ngơ của em ... trong tiếng hát trầm buồn của anh ... trong những dòng văn ngọt ngào, những áng thơ tràn cảm xúc... trong những bức tranh đầy màu sắc, những tấm hình đem em tới những nơi em chưa từng đặt chân đến...trong những trao đổi tưởng chừng như nhỏ nhặt tầm thường nhưng đôi khi lại là cứu cánh cần thiết cho cuộc sống cơm áo tất bật xứ người của những anh chị, bạn bè nơi này ...
có bao giờ em hỏi quê hương mình ở đâu?...
anh, câu trả lời đơn giản như một với tay, thật gần ...